Hệ miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể con người, vì vậy tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể là vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay. Hãy tham khảo các biện pháp tự nhiên trong bài viết sau đây.
Tầm quan trọng của hệ miễn dịch khỏe mạnh
Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các kháng nguyên lạ gây bệnh từ bên ngoài. Hệ miễn dịch gồm có 3 loại chính là miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.
Hệ miễn dịch và cơ chế hoạt động của nó trong cơ thể mỗi người sẽ có sự khác nhau. Nếu không có hệ thống miễn dịch hoặc hệ miễn dịch bị suy yếu thì các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh cao. Vì vậy, hệ miễn dịch mạnh giúp cơ thể bạn hạn chế bệnh và khỏe mạnh hơn.
Giải pháp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên
Hệ miễn dịch tự nhiên của chúng ta có thể được tăng cường bằng một số biện pháp đơn giản, thông qua việc bổ sung một số thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn uống và cải thiện lối sống hàng ngày.
Tham khảo áp dụng một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh có hại và các sinh vật gây bệnh hiệu quả hơn.
- Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn đối với sức khoẻ tổng thể của bạn, đặc biệt đối với việc cải thiện chức năng hệ miễn dịch của chúng ta. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém sẽ khiến sức khỏe giảm sút và tăng khả năng mắc bệnh.
Nghỉ ngơi đầy đủ có thể tăng cường miễn dịch tự nhiên của cơ thể, theo đó người lớn nên ngủ 7 tiếng trở lên mỗi đêm, thanh thiếu niên cần 8 – 10 giờ và đối với trẻ nhỏ hơn, trẻ sơ sinh cần đến 14 giờ.
Để có một giấc ngủ ngon và hiệu quả bạn có thể áp dụng một số mẹo như ngủ trong không gian tối hoàn toàn hoặc sử dụng mặt nạ che mắt khi ngủ, đi ngủ đúng giờ. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong một giờ trước khi ngủ vì ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, tivi và máy tính có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn, làm rối loạn chu kỳ thức – ngủ và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.
Không nên uống trà, cafein trước khi chuẩn bị đi ngủ vì các chất kích thích tự nhiên bên trong trà và cafein khiến tinh thần bạn tỉnh táo khó đi vào giấc ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ sâu.
- Bổ sung thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch
– Ăn nhiều chất xơ
Thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, rau, quả hạch, các loại hạt và cây họ đậu rất giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể giúp cơ thể giảm viêm và chống lại các mầm bệnh có hại.
Chất xơ trong thực phẩm thực vật nuôi dưỡng hệ vi sinh vật trong đường ruột hoặc vi khuẩn lành mạnh trong ruột. Hệ thể vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh có thể cải thiện khả năng miễn dịch và giúp ngăn chặn mầm bệnh có hại xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa.
– Vitamin C
Vitamin C trong trái cây, rau quả (đặc biệt là trái cây họ cam quýt, ớt chuông đỏ) giúp làm tăng cường sức đề kháng, làm giảm thời gian bị cảm thông thường. Tuy nhiên, vitamin C dễ hòa tan trong nước mà còn bị oxy hóa nhanh, nhất là ở nhiệt độ cao, vì vậy cách tốt nhất để nhận được lượng vitamin tối đa có lợi cho hệ miễn dịch của bạn là chọn các loại rau, quả tươi để ăn hoặc nấu ngay khi đã thái cắt.
– Chất béo lành mạnh
Các chất béo lành mạnh như dầu ô liu và cá hồi, có thể giúp cơ thể giảm viêm khi cơ thể phản ứng miễn dịch với mầm bệnh.
Dầu ô liu có tính kháng viêm cao, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, đặc tính chống viêm của loại dầu này có thể giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút gây bệnh.
Axit béo omega 3 có trong trong cá hồi và hạt chia cũng có khả năng chống viêm.
- Tăng cường thực phẩm probiotic và prebiotic
Thực phẩm probiotic chứa các vi khuẩn có lợi cho đường ruột như Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium bifidum và Streptococcus thermophilus. Những vi khuẩn có lợi này hỗ trợ hệ tiêu hóa giải phóng vitamin và khoáng chất từ các thực phẩm khác và cải thiện sự hấp thụ của chúng vào cơ thể.
Một số thực phẩm trong nhóm probiotic có thể kể đến như sữa chua, dưa cải muối, kim chi, nấm sữa kefir và đậu tương lên men (natto), trà kombucha,…. Các thực phẩm prebiotics gồm tỏi, hành tây, lá lốt, atiso, táo, rau lá anh,…
Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa probiotic và prebiotic trong chế độ ăn uống giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Tập thể dục hàng ngày
Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp nâng cao khả năng hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
Các hoạt động thể chất đơn giản như bơi lội, yoga, đi bộ nhanh, đạp xe bên ngoài hay chạy bộ chạy bộ là một số gợi ý tuyệt vời để giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn luôn mạnh khoẻ.
- Kiểm soát căng thẳng
Giữ tinh thần thoải mái, tránh xa căng thẳng cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch. Cơ thể trong tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ thúc đẩy quá trình viêm, cũng như mất cân bằng chức năng tế bào miễn dịch.
Thiền, tập thể dục, yoga, viết nhật ký, trò chuyện với người thân bạn bè,… là những cách có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài và gặp khó khăn trong vấn đề giải tỏa, bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
- Bổ sung thực phẩm chức năng đúng cách
Nếu chế độ ăn uống của bạn không đa dạng và đầy đủ, bạn có thể tham khảo việc bổ sung vitamin và các loại thực phẩm chức năng giúp tăng hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể được nạp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên chính là cách tốt nhất để dưỡng chất đi vào cơ thể bạn. Do đó, nếu có ý định sử dụng bất kỳ loại vitamin hay thực phẩm chức năng nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng để mang lại hiệu quả và đảm bảo an toàn sức khỏe.
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐓𝐢𝐞̂́𝐧 𝐇𝐚̣𝐧𝐡