Sức đề kháng là khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ virus, vi khuẩn, khói bụi, thay đổi thời tiết… Suy giảm hệ miễn dịch là nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng.
Hệ thống miễn dịch “Immune System” bao gồm các cơ quan, tế bào, mô và protein; trong đó tế bào bạch cầu rất quan trọng. Khi các mầm bệnh vi sinh vật “đổ bộ” tấn công cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tự động kích hoạt phản ứng miễn dịch, giải phóng các kháng thể. Kháng thể này nhận lệnh và truy lùng kẻ xâm lược để tiêu diệt chúng.
Nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể
Khi sức đề kháng suy giảm, hệ miễn dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự suy giảm về cơ chế bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng hoặc virus. Suy giảm hệ miễn được chia thành 2 loại: suy giảm miễn dịch nguyên phát và suy giảm miễn dịch thứ phát.
Những nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng bao gồm:
- Mắc phải một số bệnh lý như HIV, lupus ban đỏ, suy dinh dưỡng và rối loạn di truyền nhất định, sử dụng các loại thuốc (như thuốc chống ung thư), quá trình xạ trị, những người được ghép tạng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép…
- Áp lực công việc kéo dài
- Ngủ không đủ giấc
- Dinh dưỡng thiếu hợp lý, ăn ít rau xanh, trái cây, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn
- Uống ít nước
- Làm việc, sinh sống trong môi trường không khí ô nhiễm
Dấu hiệu suy giảm sức đề kháng
Những biểu hiện thông thường khi sức đề kháng và hệ thống miễn dịch suy yếu, có thể kể đến:
- Các vấn đề về hệ tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy…
- Các vấn đề về nhiễm trùng như mắt đỏ, viêm tai, viêm xoang, nhiệt miệng, cảm lạnh, bệnh nướu răng mãn tính (viêm nướu), viêm phổi, nhiễm trùng nấm men.
- Vết thương lâu lành
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
Do đó, khi nhận thấy cơ thể xuất hiện thường xuyên các biểu hiện trên, bạn cần thăm khám bác sĩ. Thông qua thăm khám lâm sàng hoặc có thể thực hiện thêm các xét nghiệm, bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn và đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp.
Hậu quả khi cơ thể suy giảm sức đề kháng
Khi rơi vào tình trạng suy giảm sức đề kháng, cơ thể sẽ đối diện với nguy cơ dễ bị virus xâm nhập và gây ra các loại bệnh từ mức độ nhẹ đến nguy hiểm.
- Dễ mắc phải những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, Covid-19, viêm họng cấp, viêm mũi dị ứng…
- Người có tiền sử gia đình mắc các rối loạn suy giảm miễn dịch nguyên phát có nguy cơ tự phát triển các rối loạn nguyên phát cao hơn.
- Bất cứ điều gì làm suy yếu hệ thống miễn dịch đều có thể dẫn đến rối loạn suy giảm miễn dịch thứ cấp, ví dụ: tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm HIV/ cắt bỏ và thay thế nội tạng đều có thể là nguyên nhân.
Ai dễ bị giảm sút sức đề kháng?
Theo bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn, những nhóm người dễ bị suy giảm sức đề kháng bao gồm:
- Người lớn tuổi: Khi tuổi cao, một số cơ quan sản xuất hoặc biệt hóa các tế bào miễn dịch sẽ thoái hóa do quá trình lão hóa và hoạt động kém hiệu quả hơn. Các cơ quan nội tạng liên quan đến miễn dịch như tuyến ức hoặc tủy xương… sẽ tạo ra ít tế bào miễn dịch cần thiết để chống lại nhiễm trùng.
- Người mắc các loại bệnh lý nguy hiểm như người nhiễm HIV, bệnh nhân trải qua hóa trị và xạ trị ung thư, người ghép tạng, người suy giảm miễn dịch nguyên phát.
- Người ăn uống thiếu chất: Protein rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch của cơ thể. Không đủ protein trong chế độ ăn uống có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
- Người thường xuyên thiếu ngủ: Protein cũng được sản xuất trong khi ngủ để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Do đó, thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng phòng thủ của hệ miễn dịch.
Các loại vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Đứng trước những mối nguy đe dọa sức khỏe, nhiều người phân vân với những câu hỏi: “Ăn gì để tăng sức đề kháng?”, “Uống gì để tăng sức đề kháng?”… Các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất những dưỡng chất cần tăng cường thu nạp đề phòng bệnh, bao gồm:
- Vitamin E
Cũng giống như Vitamin C, Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin này được xem là một phần của gần 200 phản ứng sinh hóa trong cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Vitamin E có trong nhóm thực phẩm thực vật giàu chất béo như đậu phộng/bơ đậu phộng, hạt hướng dương, dầu ăn (dầu hoa hướng dương, dầu đậu nành)…
- Vitamin A
Được xem là một chất chống lây nhiễm và có trong thực phẩm từ nguồn gốc động vật (như cá ngừ, gan, lòng đỏ trứng…) và thực vật dưới dạng carotenoid (như cà rốt, khoai lang, bí đỏ, dưa lưới); các loại rau lá màu xanh đậm (như rau ngót, rau muống, rau cải xanh…).
- Vitamin C
Vitamin C (còn được gọi là axit ascorbic) là một chất dinh dưỡng hòa tan trong nước được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Trong cơ thể, vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra. Gốc tự do là các hợp chất được hình thành khi cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Gốc tự do cũng có trong môi trường như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và tia cực tím từ mặt trời.
Cơ thể cũng cần vitamin C để tạo collagen, một loại protein cần thiết để giúp vết thương mau lành. Ngoài ra, vitamin C cải thiện sự hấp thụ sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Đặc biệt, vitamin C có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Vitamin C có nhiều trong trái cây có múi như cam, bưởi, chanh…; họ nhà cải như cải bó xôi, cải xoăn, ớt chuông, bắp cải, dâu tây, đu đủ…
Trường hợp cần bổ sung thêm lượng vitamin C, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Lượng vitamin C bạn cần mỗi ngày cần căn cứ vào độ tuổi. Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày cho từng độ tuổi khác nhau được liệt kê bằng bảng dưới đây. Đơn vị tính: miligam (mg).
- Vitamin D
Được gọi là vitamin “ánh nắng mặt trời” vì là một trong những dưỡng chất quan trọng và mạnh mẽ nhất để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Một trong những vai trò quan trọng của vitamin D là giúp hấp thu canxi từ thức ăn do đó thiếu vitamin D còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự chắc khỏe của xương.
Với trẻ nhỏ, thiếu vitamin D gây ra bệnh còi xương, xương trở nên mềm, yếu, biến dạng và đau đớn.
Với thanh thiếu niên và người lớn, thiếu vitamin D gây ra chứng nhuyễn xương, một chứng rối loạn gây đau xương và yếu cơ.
Vitamin D thường có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi… Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D từ sữa, nước cam và ngũ cốc. Cũng giống như vitamin C, nếu cần bổ sung thêm vitamin D, bạn cần tư vấn bác sĩ.
- Vitamin nhóm B
Vitamin B9 và vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt vitamin B9 sẽ làm giảm quá trình tổng hợp các tế bào tham gia vào cơ chế miễn dịch; còn thiếu vitamin B6, các chức năng miễn dịch của cơ thể (như miễn dịch dịch thể và trung gian tế bào) sẽ bị suy giảm.
Miễn dịch trung gian tế bào là quá trình đáp ứng miễn dịch chống lại các tế bào đã bị nhiễm vi khuẩn, virus hay tế bào bất thường thông qua tác động trung gian của của tế bào lympho T.
Miễn dịch dịch thể là phương thức miễn dịch đặc hiệu thể hiện bằng việc sản xuất các kháng thể có khả năng chống lại các tác nhân lạ (vi khuẩn, tế bào…) xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình sản xuất các kháng thể của các tế bào lympho B.
Vitamin B6 cũng đóng vai trò quan trọng trong những phản ứng hóa học, trong việc hình thành các tế bào hồng cầu mới và khỏe mạnh của cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt vitamin B6 không những ảnh hưởng đến sức đề kháng và hệ thống miễn dịch mà còn gây ra những vấn đề về sức khỏe khác bao gồm: thiếu máu, phát ban ngứa, da có vảy trên môi, nứt ở khóe miệng và sưng lưỡi.
Các triệu chứng ít xảy ra khác của tình trạng thiếu hụt vitamin B6 là trầm cảm, lú lẫn. Trẻ sơ sinh không được cung cấp đủ vitamin B6 có thể trở nên cáu kỉnh, phát triển thính giác cực kỳ nhạy cảm hoặc gặp phải tình trạng co giật.
- Sắt
Sắt giúp cơ thể mang oxy đến các tế bào, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Sắt tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ sắt heme (sắt từ các sản phẩm động vật), thường có nhiều trong thịt đỏ (nhưng cần hạn chế số lượng), thịt gà, cá mòi/cá ngừ đóng hộp, hàu, sò, trai…
Nếu là người ăn chay, bạn vẫn có thể tìm thấy sắt trong các loại đậu (đậu que, đậu bắp…), bông cải xanh, cải xoăn, ngũ cốc bổ sung chất sắt.
- Kẽm
Kẽm cần thiết cho quá trình sản xuất các tế bào mới của hệ thống miễn dịch. Kẽm được tìm thấy chủ yếu trong thực phẩm từ động vật như hàu, cua, thịt nạc và thịt gia cầm, sữa chua, đậu gà… và một số thực phẩm chay.
- Selen
Selen có tác dụng mạnh mẽ đối với hệ thống miễn dịch và là dưỡng chất không thể thiếu để ngăn ngừa nhiễm trùng. Thực phẩm từ động vật là những nguồn dồi dào selen. Tuy nhiên, dùng quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ. Thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 10-18 tuổi: 26 mcg/ngày (ở nữ) và 32 mcg/ngày (ở nam), với người lớn: 55 mcg/ ngày. Selen được tìm thấy trong hải sản (cá ngừ, cá bơn, cá mòi), thịt và gan, gia cầm, phô mai que.
- Protein
Như đã nói ở trên, nhóm chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức đề kháng của cơ thể, chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Để duy trì nguồn chất đạm thiết yếu cho cơ thể cần có chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm như thịt (thịt gia cầm, thịt heo, bò…), cá, trứng, thực phẩm làm từ đậu nành, các sản phẩm từ sữa ít béo…
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐓𝐢𝐞̂́𝐧 𝐇𝐚̣𝐧𝐡