Tình trạng sức khỏe của mỗi sản phụ là khác nhau. Nó cũng phụ thuộc vào tình trạng mẹ sinh thường hay sinh mổ. Dưới đây là những tình trạng phổ biến và hướng dẫn mẹ phục hồi sức khỏe sau sinh nhanh chóng.
Giúp mẹ giảm đau sau sinh
- Giảm đau sau sinh thường
Sinh thường khiến người mẹ đau khu vực âm đạo và tử cung do bị rách hoặc bị rạch trong quá trình sinh. Vết thương này thường đau kéo dài trong khoảng một tuần, sau đó sẽ từ từ lành lại.
Mẹ có thể chuẩn bị nệm êm để ngồi, tưới nước ấm khi đi vệ sinh, ngâm trong bồn nước ấm khoảng 10 phút để giảm cơn đau. Nhưng lưu ý, luôn giữ âm đạo khô thoáng để tránh nhiễm trùng.
- Giảm đau sau sinh mổ
Sinh mổ khiến người mẹ đau trong khoảng 2-4 tuần.
Ngay sau khi được đưa ra khỏi phòng mổ, trong khoảng 6 tiếng tại phòng hậu phẫu, người mẹ vẫn chưa có cảm giác đau do thuốc tê chưa hết tác dụng. Sau thời gian đó, người mẹ sẽ từ từ cảm nhận được cơn đau và nhiều khả năng phải xin thêm thuốc giảm đau đặt hậu môn hoặc qua đường truyền giúp mẹ chịu đựng cơn đau thêm khoảng 3 ngày nữa. Một số mẹ lựa chọn chiếu đèn plasma để giảm đau tức thì.
Sau khi trở về nhà từ bệnh viện, người mẹ nên:
– Nghỉ ngơi thật nhiều, tránh vận động mạnh gây đau đớn vết mổ
– Giữ khô vết mổ, vệ sinh xung quanh để tránh bị nhiễm trùng.
– Chườm lạnh lên vị trí vết mổ (chú ý không làm ướt vết mổ) để giảm cảm giác đau.
Ngay cả khi vết mổ đã lành thì vẫn sẽ cảm thấy đau nhói mỗi khi vận động mạnh cơ bụng. Đối với phụ nữ sinh mổ, nên kiêng cữ vận động mạnh hay sinh hoạt vợ chồng khoảng 8 tuần để đảm bảo an toàn.
- Giảm đau do cơn co tử cung
Co thắt tử cung thường kéo dài vài ngày đến 1 tuần sau khi sinh. Đối với nhiều phụ nữ, cơn co khiến bụng gò lên từng đợt, đau không kém gì lúc chuyển dạ.
Nguyên nhân là do lúc này tử cung đang co bóp để đẩy hết sản dịch ra ngoài (giống như trong thời kỳ kinh nguyệt) và dạ con đang ở trạng thái giãn do mang thai và sinh con dần dần co lại về kích thước ban đầu. Sự co rút có nguy cơ tăng khi mẹ cho bé bú hoặc vận động nhiều. Lúc này, mẹ nên:
– Nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động mạnh.
– Chườm túi chườm ấm để xoa dịu cơn đau. Nhiều mẹ sử dụng túi chườm có chứa gừng muối ngải cứu có tác dụng trị liệu tinh thần và giảm đau rất tốt.
Cơn co tử cung là bình thường, mẹ không cần phải lo lắng. Nhưng nếu kèm các hiện tượng sốt, nôn hoặc chảy máu ồ ạt mẹ cần được cấp cứu ngay để phòng trừ trường hợp băng huyết hoặc bế sản dịch.
Nghỉ ngơi hợp lý để nhanh lại sức
Sau khi sinh, do chăm con nên người mẹ thường không được nghỉ ngơi đầy đủ, mệt mỏi khiến sức khỏe giảm sút, tinh thần uể oải.
Lúc này, người mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ để có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn:
– Chú trọng vào chất lượng giấc ngủ: ngủ đủ giấc, ngủ sâu
– Chú trọng thời gian nghỉ ngơi, không vận động mạnh và nhiều nhất là 6 tuần đầu sau khi sinh.
– Có thời gian cho bản thân thư giãn
Nghỉ ngơi đầy đủ giúp mẹ tinh thần phấn chấn để chăm sóc con cái và hồi phục sức khỏe.
Chế độ ăn uống sau khi sinh giúp mẹ nhanh khỏe, tốt sữa
- Thực phẩm nên kiêng sau sinh
Sau khi sinh, để hồi phục sức khỏe nhanh chóng, tránh các bệnh hậu sản, người mẹ nên kiêng các loại thực phẩm thuộc nhóm sau:
– Thực phẩm cay
– Caffein, rượu, bia
– Các loại hải sản có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá thu vua, cá ngói.
– Thực phẩm lạnh
– Thực phẩm sống, tái
– Thực phẩm có vị chua
– Đồ uống có ga
– Thực phẩm nhiều dầu mỡ
– Thực phẩm chức năng làm đẹp, giảm cân không rõ nguồn gốc hoặc khuyến cáo không dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
- Thực phẩm nên ăn sau sinh
Những loại thực phẩm sau rất tốt cho việc phục hồi sức khỏe sau sinh:
– Các loại hạt: gạo, yến mạch, lúa mạch, hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hạt họ đậu.
– Rau xanh cung cấp chất xơ và vitamin
– Trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất
– Thịt: gia cầm, bò, gà, thịt nạc lợn
– Cá hồi
– Sản phẩm từ sữa
– Uống nhiều nước
Giúp mẹ nhanh về sữa, phòng ngừa tắc tia sữa
Ít sữa, mất sữa, tắc tia sữa là những hiện tường thường xảy ra sau khi sinh. Để khắc phục tình trạng này, người mẹ nên:
– Cho con bú càng sớm càng tốt.
– Trước khi cho bé bú, massage ngực 10 phút, massage đều hai bên. Hoặc bé vừa bú, mẹ vừa massage bên ngực còn lại.
– Mẹ uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tạo nguồn sữa dồi dào, chất lượng. Nên ăn thức ăn ấm nóng và giàu dinh dưỡng. Không nên ăn các thức ăn lạnh, tanh, nhiều dầu mỡ.
– Cho bé bú theo cữ 2-4h/lần, trong mỗi cữ mẹ cho bé bú no và đều hai bên. Nếu bé bú không hết, mẹ nên hút cạn sữa ra và massage ngực để tái tạo sữa mới nhanh hơn.
Vận động phù hợp để mẹ phục hồi sức
Sau khi, trong ít nhất 6 tuần, bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn nhất là đối với mẹ sinh mổ để cơ thể phục hồi đầy đủ. Trong thời gian này, mẹ chỉ nên vận động nhẹ nhàng. Tùy vào thể trạng của mẹ, nếu những mẹ có cơ thể phục hồi chậm hơn, cơ sàn chậu yếu hơn hay gặp các bệnh về khớp thì nên bắt đầu muộn hơn và lựa chọn bài tập nhẹ nhàng hơn.
Sau thời gian đó, mẹ có thể lên một kế hoạch tập luyện tại nhà với các bài tập đơn giản để lấy lại vóc dáng và cơ thể khỏe mạnh:
– Bài tập kegels và các bài tập phục hồi cơ sàn chậu tại chỗ.
– Đặt bé vào nôi và đi dạo vừa giúp mẹ tranh thủ thư giãn vừa giúp cơ thể khỏe mạnh.
– Bắt đầu bằng các bài tập cơ sàn chậu, cổ, ngực, tay, chân đến lưng bụng nhưng hãy để cơ thể thích nghi dần dần cho đến khi bạn hồi phục hẳn. Lúc đó bạn mới nên tập các bài tập cường độ cao.
– Các bài tập không nên bắt đầu sớm nhất là đối với mẹ sinh mổ: chạy bộ, bơi, cơ bụng cường độ cao, tập với tạ hay dụng cụ.
Song song với tập luyện, mẹ nhớ uống nhiều nước.
Phục hồi sức khỏe tinh thần sau sinh
Khoảng 70 – 80% các bà mẹ mới sinh con lần đầu trải qua sự thay đổi tâm trạng hoặc cảm giác tiêu cực sau khi sinh. Nguyên nhân có thể do:
– Mệt mỏi vì thể trạng chưa phục hồi, mẹ phải đối mặt hàng ngày với cơn đau.
– Mệt mỏi, mất ngủ do phải chăm sóc em bé.
– Mẹ thiếu tự tin khi chưa có kinh nghiệm chăm em bé. Em bé quấy khóc, chớ sữa, ốm….và mẹ chưa biết cách để giải quyết.
– Người mẹ không nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
– Không nhận được sự chia sẻ tâm trạng, cảm xúc từ người bạn đời khiến lúc nào cũng u uất, buồn phiền.
Phục hồi sức khỏe tinh thần sau sinh quan trọng chẳng kém phục hồi thể chất. Bởi vì chỉ có tinh thần khỏe mạnh thì phụ nữ mới có thể sống một cách tích cực đồng thời chăm con thuận lợi.
Ngược lại, nếu để tinh thần suy sụp, người mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé, hạnh phúc gia đình thậm chí có nguy cơ xảy ra án mạng hoặc tổn thương nghiêm trọng khi người mẹ thiếu tỉnh táo.
Để phục hồi sức khỏe tinh thần sau sinh, người mẹ nên:
– Bắt đầu bằng việc tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh và sắp xếp hợp lý các công việc cần thiết. Ghi ra sổ tay những việc đó để tránh việc bạn xao lãng.
– Tìm kiếm sự hỗ trợ nếu bạn không giải quyết được một việc nào đó. Nếu bạn chưa có kiến thức về việc chăm con, bạn có thể cần đến sự tư vấn của chuyên gia hoặc kinh nghiệm từ những người đi trước.
– Nếu bạn quá mệt mỏi với việc phải một mình chăm trẻ, hãy nhờ sự giúp đỡ từ người thân, thuê thêm giúp việc để hỗ trợ.
– Nếu bạn mệt mỏi vì phải ở trong nhà quá lâu với những việc nhàm chán mỗi ngày, hãy tìm kiếm một thú vui mới chẳng hạn học thêm một loại nhạc cụ, nghe nhạc, đọc một cuốn sách, xem một chương trình thú vị hoặc gọi điện mời bạn bè đến nhà chơi.
– Tìm kiếm sự gắn kết, sẻ chia từ người bạn đời để bạn giải tỏa tâm trạng, cảm giác được quan tâm và hạnh phúc hơn.
Phòng ngừa biến chứng sau sinh
Để phòng ngừa các biến chứng về sức khỏe và tinh thần sau sinh, người mẹ cần chú ý chăm sóc bản thân song song với chăm sóc em bé. Dưới đây là những việc mẹ nên làm trong thời gian sau khi sinh:
– Nghỉ ngơi nhiều. Ít nhất sáu tuần đầu sau khi sinh, mẹ nên được nghỉ ngơi hoàn toàn và để thích nghi với với sự ra đời của em bé. Ngủ càng nhiều càng tốt để đối phó với sự mệt mỏi. Em bé của bạn có thể thức dậy hai đến ba giờ một lần để cho ăn. Để đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, mẹ hãy ngủ khi bé ngủ.
– Tìm kiếm sự giúp đỡ. Đừng ngần ngại chấp nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè trong giai đoạn sau sinh. Cơ thể bạn cần được chữa lành và sự giúp đỡ thiết thực có thể giúp bạn nghỉ ngơi. Người thân trong gia đình có thể giúp bạn chuẩn bị bữa ăn hoặc giúp chăm sóc em bé hoặc những đứa trẻ khác trong nhà.
– Ăn các bữa ăn với chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để thúc đẩy hồi phục cơ thể. Tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và protein. Bạn cũng nên tăng lượng chất lỏng, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.
– Tập thể dục. Bạn nên thực hiện các hoạt động thể chất từ nhẹ như đi bộ, tập các bài tập tại nhà để giúp vóc dáng thon gọn hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn…
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐓𝐢𝐞̂́𝐧 𝐇𝐚̣𝐧𝐡