Khi thời tiết chuyển mùa, cơ thể người cao tuổi dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch đã suy giảm.
Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong những tháng giao mùa là phòng bệnh và áp dụng các biện pháp hạn chế dùng thuốc.
Người cao tuổi thường mắc những bệnh gì khi thời tiết thay đổi
Khi ngoài 50 tuổi, nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm. Sự suy giảm chức năng ở mỗi người không giống nhau. Nhưng có một điều giống nhau ở người cao tuổi là tuổi càng cao thì càng dễ mắc bệnh.
– Bệnh về tim mạch: Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp chiếm một vị trí đáng kể. Thời tiết thất thường lúc nắng, lúc mưa, khi nóng, khi lạnh là điều kiện để các bệnh tim mạch dễ xảy ra các tai biến như tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu… nếu không được kiểm soát và phòng bệnh tốt.
– Bệnh về hệ hô hấp: Cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hoặc đang hút thuốc. Đặc điểm bệnh về đường hô hấp lại thường hay xảy ra vào mùa lạnh, thay đổi thời tiết, lúc giữa đêm gần sáng, do đó rất dễ làm cho người cao tuổi mệt mỏi, mất ngủ kéo dài.
– Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, trướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng. Người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược thực quản hoặc viêm đại tràng mạn tính. Các loại bệnh dạng này thường làm cho người cao tuổi rất khó chịu, gây lo lắng, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc hoặc kém ngủ, mất ngủ kéo dài. Mất ngủ lại làm cho nhiều bệnh tật phát sinh.
– Bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục: Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu – sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục – tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, đái dắt, đái són nhất là vào ban đêm, gây nhiều phiền toái cho người cao tuổi.
– Bệnh về hệ xương khớp: Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, cổ, khớp gối làm cho người bệnh lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết. Thoái hóa khớp gối gây biến chứng cứng khớp, gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy. Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.
Phòng bệnh
Các biện pháp phòng bệnh bao gồm tăng cường cơ chế miễn dịch bằng chất chống oxy hóa, chẳng hạn dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng với thành phần vitamin và chất khoáng (Beta caroten, vitamin C, vitamin E, sélénium, kẽm…).
Tăng cường ăn rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu… nhằm làm tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại tình trạng dễ bị các vi rút (nhất là nhóm Rhinovirus) và vi khuẩn xâm nhập, gây cảm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lau khô và làm ấm cơ thể khi bị mưa, ăn các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh để duy trì cân bằng thân nhiệt.
Một điều cần thiết khác là giữ giấc ngủ yên trong đêm vì việc thường xuyên mất ngủ sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Có thể đi bộ thong thả 20-30 phút lúc chiều tối, tắm nước ấm để tạo thư giãn khi đi ngủ, uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để không bị hạ đường huyết trong đêm, gây rối loạn giấc ngủ.
Nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà hoặc có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ nên đến những nơi này để vừa tập vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự góp phần giải tỏa căng thẳng và có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe.
Lời khuyên ăn uống hợp lý cho người cao tuổi
Người cao tuổi ít hoạt động nên khối cơ sẽ giảm đi 1/3 so với thời trẻ. Với người 70 tuổi, nhu cầu năng lượng giảm 30% so với lúc 20 tuổi. Vì vậy, họ nên ăn ít hơn lúc trẻ để tránh béo phì. Cần kiểm tra cân nặng thường xuyên để thể trọng luôn ở mức cho phép.
Tuổi càng cao, cơ thể càng giảm sức chịu đựng đối với chất ngọt. Vì vậy, người cao tuổi phải hạn chế ăn đường, bánh kẹo. Nên dùng chất ngọt từ nguồn bột như cơm, bánh mì, khoai củ vì chúng được tiêu hóa, hấp thu rồi dự trữ ở cơ thể, chỉ giải phóng từ từ vào máu theo nhu cầu, không làm tăng đường huyết đột ngột. Khi cơ thể thừa chất ngọt, nó sẽ chuyển thành mỡ dự trữ. Ở người cao tuổi, hoạt động của men lipase phân giải mỡ giảm dần và cơ thể có xu hướng thừa mỡ trong máu, dễ gây bệnh tim mạch. Do đó, người cao tuổi cần hạn chế chất béo, chủ yếu dùng dầu thực vật.
Quá trình tiêu hóa hấp thu chất đạm cũng kém đi ở người cao tuổi. Sự tiêu hóa đạm thường đi đôi với quá trình thối rữa ở đại tràng, làm xuất hiện độc tố. Nếu lại bị táo bón, chất độc này bị hấp thu trở lại, gây nhiễm độc trường diễn. Vì thế, cần hạn chế ăn thịt (nhất là thịt mỡ) và thay bằng cá. Nên ăn nhiều chất đạm nguồn gốc thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng, đậu phụ vì chúng ít gây thối rữa và chứa nhiều chất xơ, có tác dụng giữ cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, sau đó thải ra theo phân.
Để chống lại các gốc tự do gây lão hoá và bệnh tật, cần tăng cường sử dụng những chất chống oxy hóa (có nhiều ở rau quả). Đối với người cao tuổi, uống đủ lượng nước cần thiết rất quan trọng vì vậy nên uống nước đều đặn đầy đủ vào buổi sáng và chiều. Buổi tối trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước để không phải tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
𝐂𝐨𝐩𝐲𝐫𝐢𝐠𝐡𝐭 © 𝐛𝐲 𝐓𝐢𝐞̂́𝐧 𝐇𝐚̣𝐧𝐡